Từ 00h00 ngày 01/10, TP. HCM sẽ thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ 3 theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, dự thảo nêu rõ sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động các loại hình kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo, hát rong,…
Ảnh minh họa.
Theo bản Dự thảo Chỉ thị “Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM”, từ 00h00 ngày 01/10, TP.HCM sẽ thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ 3 theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có ”Thẻ xanh Covid” được quyền tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định an toàn phòng, chống dịch của ngành y tế và các Bộ Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Các lĩnh vực được hoạt động bao gồm:
– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và trên địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19; có phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt. Đồng thời, các đơn vị trên phải xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ít nhất 7 ngày/lần đối với ít nhất 20% người lao động có nguy cơ cao; toàn bộ người cung cấp dịch vụ; xét nghiệm với 100% người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở,…
– Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.
– Công trình giao thông, xây dựng.
– Các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được phép hoạt động trở lại.
Ngoài ra là các lĩnh vực như cung cấp lương thực, thực phẩm; xăng, dầu, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, sửa chữa; dịch vụ công ích; hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại thành phố; bưu chính viễn thông, tổ chức tín dụng, công chứng, Luật sư, đấu giá,…
Trung tâm thương mại, siêu thị (bao gồm siêu thị mini), cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm: (kênh phân phối bán buôn, bán lẻ). Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ).
Chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống. Cơ sở kinh doanh các dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động không quá 50% công suất.
Dự thảo cũng nêu rõ tiếp tục dừng hoạt động các loại hình kinh doanh có khả năng lây nhiễm cao gồm: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo, hát rong,…
Ngày 10/9, TP.HCM đã đưa ra lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế theo 3 giai đoạn. – Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10): cá nhân, lao động có “thẻ xanh Covid” có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có “thẻ vàng Covid”, có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh Covid” được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh Covid” tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ vàng Covid” tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động. – Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/01/2022): TP.HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có “thẻ xanh Covid”, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người). – Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/01/2022): TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có “thẻ xanh Covid”. |
PV
https://lsvn.vn/tp-hcm-se-tiep-tuc-cam-vu-truong-quan-bar-karaoke-rap-phim-sau-ngay-3091632674699.html