Chiều 27-9, tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Thành ủy TP.HCM về dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau 30-9.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – Ảnh: TIẾN LONG
Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Võ Minh Lương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Dự thảo chỉ thị xác định, bắt đầu từ 0h ngày 1-10, thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.
Dự thảo chỉ thị đánh giá: Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả khả quan, số ca mắc mới và số ca tử vong đều có xu hướng giảm, tỉ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 33% được tiêm mũi 2.
Một số hoạt động kinh tế – xã hội thí điểm mở cửa trở lại tại các địa bàn đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại TP.HCM dịch COVID-19 đã ngấm rất sâu, vì vậy hiện thành phố vẫn phải kiên định mục tiêu đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường, điều chỉnh tích cực hoạt động của người dân, doanh nghiệp rồi mới từng bước mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, người dân vẫn phải chịu khó cam khổ về sinh hoạt.
Theo ông Đam, thành phố phải bàn kỹ, xác định kỹ thứ tự ưu tiên các hoạt động được mở ra. Ông gợi ý, mục tiêu đầu tiên là mở các nhà máy lớn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để công nhân được đi làm lại, giảm gánh nặng an sinh xã hội. Tiếp đến mở một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ và sau đó mở từng bước chắc chắn các hoạt động sinh hoạt đời sống.
Phó thủ tướng tiếp tục đề nghị thành phố lập bản đồ dịch đến từng tổ dân phố, tiến đến quản lý từng gia đình. Đồng thời, đánh giá năng lực giám sát dịch từng phường, tổ dân phố. Trong đó có năng lực xét nghiệm, điều tra dịch tễ, tiếp nhận điều trị… Bởi theo ông, sau khi mở cửa nếu có ổ dịch, thành phố vẫn phải tiếp tục nhanh chóng xét nghiệm, điều tra dịch tễ để khoanh vùng.
Ông Đam yêu cầu TP.HCM một mặt tuân thủ chỉ đạo cấp trên nhưng cũng phát huy tinh thần chủ động của cấp dưới. Mặt khác, ông bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của TP.HCM giao cho doanh nghiệp tự đưa ra phương án đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.
Với mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, khống chế số ca mắc và tử vong do COVID-19 đến mức thấp nhất để người dân sớm quay lại với cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới; từng bước khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, thành phố an toàn, hiệu quả.
Chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mittinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động). Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được phép hoạt động).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều tán thành việc thành phố chủ động đề xuất dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.HCM sau ngày 30-9.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khiến cho dịch có thể diễn biến phức tạp, như: việc người dân từ thành phố trở về nhà dễ lây lan dịch bệnh tại các địa phương; việc ùn tắc tại các chốt cửa ngõ ra vào thành phố; người dân ở các tỉnh, thành trở về thành phố trong khi tỉ lệ tiêm vắc xin ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế…
Đánh giá cao việc TP.HCM đã chủ động nghiên cứu, xây dựng chỉ thị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để tiếp tục giải quyết những khó khăn trên, thành phố phải tính đến việc tác động liên vùng, phải đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, chủ trì cuộc họp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi TP.HCM nới lỏng.
Thành phố cũng phải tính đến việc lo đồng bộ việc làm, nơi ở, an sinh và vắc xin để “giữ chân” người lao động từ các địa phương ở lại thành phố làm việc; tuyên truyền để bà con hiểu đây cũng là biện pháp tốt để mọi người không mang “cái khó khăn” về gia đình và địa phương; đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch đối với mỗi người lao động, doanh nghiệp – Phó thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng, sau nới lỏng nên có hướng dẫn việc duy trì trạm y tế lưu động; tăng cường kiểm soát các chốt ra vào tỉnh; đảm bảo nới lỏng an toàn từng bước chắc chắn, với mục tiêu là phải kiểm soát được dịch bệnh; mở sản xuất để phục hồi kinh tế nhưng người dân vẫn phải thực hiện tốt phòng, chống dịch.
https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tp-hcm-phai-ban-ky-thu-tu-uu-tien-cac-hoat-dong-duoc-mo-ra-20210927204905927.htm